Tại Việt Nam, tính đến tháng 11/2022, chưa có quy định pháp lý chính thức về crowdfunding. Do vậy, hoạt động crowdfunding chưa chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật. Mặc dù mô hình này đã đạt được nhiều thành công trên thế giới, cũng như trong khu vực, tuy nhiên tại Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn ra quyết định về cách quản lý mô hình này.

Việt Nam chưa có quy định pháp lý chính thức và hệ thống về gọi vốn cộng đồng, chưa có quy định cụ thể về tư cách, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi bên tham gia. Những quy định hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu quản lý, theo dõi, giám sát hoạt động gọi vốn cộng đồng nhằm tạo điều kiện phát huy những mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực. Gọi vốn cộng đồng cần được ghi nhận như một kênh huy động vốn chính thức, cần được tạo điều kiện hoạt động và quản lý trong một khuôn khổ pháp lý nhà nước. Việc xây dựng các quy định pháp luật về gọi vốn cộng đồng phù hợp với nhu cầu và xu thế chung của thị trường, cũng như chủ trương của Chính phủ về tận dụng khả năng nội tại của những nhà khởi nghiệp và nguồn vốn có sẵn trong xã hội. Việc Nhà nước công nhận và pháp luật có quy định rõ ràng về gọi vốn cộng đồng cũng sẽ khuyến khích hoạt động này phát triển. Trong khối ASEAN, Malaysia là quốc gia đầu tiên chính thức ban hành khuôn khổ pháp lý cho hoạt động gọi vốn cộng đồng vào năm 2015 khi thông qua sửa đổi và bổ sung Luật Thị trường vốn và dịch vụ.
Trên thế giới, nhiều nước (Mỹ, Đức, Ý, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, …) đã ban hành quy định về mô hình gọi vốn cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của cộng đồng khởi nghiệp theo hướng tạo khung pháp lý để quản lý, đặc biệt là mức trần đầu tư nhằm bảo vệ các nhà đầu tư góp vốn. Dự thảo Luật quy định mô hình này với mục đích đề xuất công nhận và đưa ra một số nguyên tắc cơ bản để hoạt động.
Bộ Kế Hoạch Đầu Tư trình Chính phủ

Bộ Kế Hoạch Đầu Tư trình Chính phủ

30/05/2016 - Tờ Trình Về Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Là đơn vị tiên phong trong việc triển khai crowdfunding tại Việt Nam, cũng như là đơn vị có số lượng dự án crowdfunding lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay, Comicola luôn tích cực hợp tác cùng các cơ quan chức năng, tích cực thúc đẩy việc luật hóa mô hình crowdfunding, nhằm tạo hành lang pháp lý giúp cho mô hình này tạo hiệu quả tốt với xã hội.

Tháng 5/2016, Comicola phối hợp cùng Bộ Kế Hoạch Đầu Tư để thúc đẩy đưa crowdfunding vào Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan, trong đó phải kể đến việc các nền tảng crowdfunding khác đang hoạt động tại Việt Nam đều lần lượt đóng cửa, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khi ra mắt vào năm 2017 đã không đưa crowdfunding vào trong nội dung.

Tháng 5/2021, Comicola tham gia vào Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật về Cải cách kinh tế ở Đông Nam Á,  do Quỹ tài trợ của Vương Quốc Anh hỗ trợ Bộ Tài Chính xây dựng đề xuất pháp lý về Crowdfunding. Hiện tại, chúng tôi đang chờ đợi kết quả từ chương trình này với các cơ quan quản lý Nhà nước.