Là một thí sinh Đường lên đỉnh Olympia năm thứ hai hay vẫn được anh chị em trong đại gia đình gọi là thế hệ O2, tôi có vinh dự được làm quen và gặp gỡ với hàng trăm người bạn từ 15 năm qua của chương trình.
Khi tham gia Đường lên đỉnh Olympia tôi vẫn đang là một cậu bé 17 tuổi nhút nhát và tự ti.
Đến với chương trình là một ước mơ của tôi khi trong suốt 2 năm liền từ những ngày phát sóng đầu tiên tháng 3 năm 1999 tôi không bỏ một trận đấu nào của Olympia. Khi đó mới chỉ là cậu học sinh lớp 9 tôi đã ước mơ được đội vòng nguyệt quế và đứng trên bục vinh quang.
Tôi vẫn còn nhớ nguyên vẹn cảm giác chờ đợi tới 10h Chủ nhật hàng tuần để hình hiệu chương trình phát lên và tôi say mê trả lời từng câu hỏi và cùng chinh phục đỉnh cao với các anh chị.
Tham gia Olympia khi showgames trên truyền hình còn ít, mỗi đợt ghi hình chỉ có 1 cuộc thi và chúng tôi được các anh chị giúp đỡ rất nhiều để rèn sự tự tin, nói năng lưu loát và thể hiện mình tốt nhất. Những buổi chuẩn bị ghi hình giống như những buổi học kĩ năng để những cô cậu học trò như chúng tôi được trưởng thành nhiều hơn.
Bước chân vào giảng đường ĐHSP Hà Nội với mong ước trở thành một thầy giáo tôi vẫn được sự tự tin từ Olympia nâng bước khi tiếp tục trở thành cán bộ Đoàn Hội nhiệt tình của Lớp, Khoa, Trường.
Mùa hè 2003, tham gia Gala 4 năm Đường lên đỉnh Olympia, tôi thực sự được có thêm bạn bè từ mọi miền tổ quốc, chúng tôi vui chơi, học hỏi và kết thân với nhau, có nhiều người vẫn làm bạn bè thân thiết sau tròn 1 con giáp quen nhau. Chúng tôi tự gọi mình là những thành viên trong 1 gia đình lớn, Gia đình Olympia. Năm 2004 tôi tiếp tục chinh phục kỷ lục của chương trình Vượt qua thử thách và sau đó trở thành thành viên trẻ nhất của ban trợ giúp chương trình. Năm 2007 tôi trở thành Phó Bí Thư Đoàn trường ĐHSP Hà Nội. Năm 2009, là Chủ tịch Hội sinh viên Trường.
Và từ năm 2010 tới nay, tôi trở thành một huấn luyện viên, giảng viên Kỹ năng sống và giúp đỡ hàng nghìn phụ huynh, học sinh, sinh viên mỗi năm.
Tôi đang muốn làm gì?
Trong suốt 14 năm từ khi được khoác lên mình chiếc áo đồng phục của chương trình, được học hỏi, được kết nối, tôi nhận ra tham gia cuộc thi có ý nghĩa lớn hơn nhiều việc giành chiến thắng và đội vòng nguyệt quế. Có thể nhiều người trong chúng tôi khát khao chiến thắng và chinh phục khi nộp đơn và hồi hộp trong mỗi chặng thi đấu, nhưng sau đó, tôi và nhiều anh chị em khác nhận ra được tham gia chương trình là một bước ngoặt quan trọng, thay đổi cuộc đời của mình mãi mãi.
Năm nay, gala 15 năm Olympia đang tới gần, chúng tôi lại chờ mong một mùa đoàn tụ, mùa yêu thương, mùa của nụ cười và hạnh phúc, chúng tôi sẻ chia những thành công, những ước mơ, và cả những hy vọng.
Tôi ước mơ con trai mình sẽ có cơ hội trở thành một Olympian, O29 hay O30.
Ước mơ thành hiện thực hay không, tôi không có quyền quyết định, nhưng tôi tự hỏi, vậy có điều gì lưu giữ những cảm xúc, những kỉ niệm, những bài học và cả những giá trị tinh thần mà cuộc thi đã để lại trong tôi? Tôi có thể làm gì ngay từ bây giờ để những điều tuyệt diệu đó lại được chạm vào trái tim nhiều thế hệ nữa?
Để làm được điều đó, tôi mong muốn có 1 sản phẩm của mình, chứa đựng tâm huyết, tình cảm của mình.
Do đó, tôi muốn làm 1 bộ truyện tranh với tên gọi “Nhóm Máu O”.
Tại sao lại là 1 bộ truyện tranh?
Có lẽ nhiều bạn sẽ hỏi tôi, sao lại là 1 bộ truyện tranh. Tại sao không là những dự án có tính hàn lâm hơn, như 1 khóa học, một lớp học? Hoặc là một hình thức cao cấp hơn như online, phần mềm tương tác?
Từ quan điểm cá nhân của tôi, để có thể lan tỏa được tinh thần chinh phục đỉnh cao tới độ tuổi mong muốn (12 – 17 tuổi), truyện tranh là hình thức hiệu quả nhất, với chi phí thấp nhất.
Bạn thử nghĩ xem, để có thể truyền tải và lưu giữ được tinh thần Chinh phục đỉnh cao tới hàng vạn học sinh ở khắp mọi miền đất nước, còn phương tiện nào tốt hơn, và chi phí tiết kiệm hơn truyện tranh?
Bộ truyện tranh này nói về điều gì?
Có lẽ, việc tiết lộ nội dung cụ thể của bộ truyện vào thời điểm này là khá khó khăn, chúng tôi cố gắng giữ bí mật về nội dung bộ truyện nhằm tạo được bất ngờ lớn nhất cho độc giả!
Bộ truyện tranh sẽ xoay quanh những cuộc đấu trí vô cùng gay cấn và hồi hộp của các bạn trẻ ở độ tuổi cấp 3, thông qua 1 chương trình truyền hình trí tuệ có sức ảnh hưởng cực mạnh mẽ trong giới trẻ. Qua đó, những cảm xúc, những câu chuyện vui buồn của tuổi học trò, những kế hoạch được sắp xếp, chuẩn bị kỹ lưỡng, những tình huống bất ngờ phát sinh sẽ được thể hiện…
Một câu hỏi lớn mà mọi người vẫn đặt ra cho tôi khi đề xuất việc sản xuất bộ truyện:
Tôi có đưa cuộc thi “đường lên đỉnh Olympia” vào trong truyện không?
Thực sự, đó là mong muốn của tôi, nếu được phép sử dụng tên cuộc thi ở trong truyện. Tuy nhiên, tôi không tự mình quyết định được điều này, do bản quyền về tên cuộc thi do Đài truyền hình Việt Nam sở hữu. Do vậy, việc đưa tên cuộc thi vào hay không phụ thuộc vào việc tôi có thuyết phục được đơn vị sản xuất về hiệu quả truyền thông của dự án mang lại.
Nhưng điều quan trọng hơn là gì? Bộ truyện tranh vẫn diễn ra xung quanh 1 cuộc thi trí tuệ trên truyền hình dành cho các bạn học sinh cấp 3. Cái tôi mong muốn đưa vào bộ truyện này, không chỉ đơn giản là cái tên của thi, mà thực sự là PHẦN HỒN ở trong đó.
Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia có thể có một cái tên khác ở trong truyện, nhưng những thách thức, những cảm xúc vỡ òa, những tình cảm yêu thương lan tỏa sau cuộc thi thì sẽ được truyền tải nguyên vẹn. Tôi không làm 1 bộ truyện để quảng cáo hay giới thiệu. Tôi muốn làm 1 bộ truyện để truyền cảm hứng từ những điều tích cực xảy ra trong cuộc sống của chính mình.
Cập nhật: Trong ngày 3/3/2015, tôi đã trao đổi với chị Nguyễn Tùng Chi, phó trưởng ban sản xuất các chương trình giải trí của Đài truyền hình Việt Nam (VTV3), tổng đạo diễn, người dẫn chương trình “Đường lên đỉnh Olympia“. Chị Tùng Chi hoàn toàn ủng hộ dự án. Đó là 1 tin mừng cho ekip làm truyện.
Trước khi sản xuất bộ truyện, tôi đã có các buổi trao đổi với 1 người bạn thân trong hội Olym, K – O2.
K là người gắn bó bền bỉ nhất với Đường lên đỉnh Olympia kể từ ngày đầu bước vào gia đình này cho tới tận bây giờ. Dù ở Sài Gòn, Hà Nội hay du học tận New Zealand xa xôi, K vẫn luôn dành thời gian và tâm trí cho từng bước đường của Đường lên đỉnh Olympia, cả cuộc thi mọi người vẫn thấy mỗi chủ nhật suốt 16 năm qua và một đại gia đình đã có tới 2160 anh chị em.
Kkhông chỉ lắng nghe mà còn trực tiếp trao đổi, phản biện nhiều ý tưởng bổ ích cho tôi trên những bước đường đầu tiên hình thành dự án này.
Tôi hoàn toàn tin tưởng với tình yêu Olympia, với sự ủng hộ và động viên của K cũng như đại gia đình Olympia và đông đảo các thế hệ khán giả của chương trình, tôi cùng các cộng sự sẽ hoàn thành dự án này.